Cách phân biệt các dòng xe ô tô lưu thông trên đường?

Theo cách phân loại phổ biến nhất hiện nay thì  các dòng xe ô tô  bao gồm sedan, SUV, coupe, hatchback..được phân loại dựa trên thiết kế nội ngoại thất và kết cấu khung gầm

Tác giả: nguyễn hồng quân Ngày đăng: 17/10/2021

Đối với những người đã có ô tô và đi ô tô trong nhiều năm thì chắc đại đa số đều có thể mô tả và phân biệt được các dòng xe. Theo cách phân loại phổ biến nhất hiện nay thì  các dòng xe ô tô  bao gồm sedan, SUV, coupe, hatchback..được phân loại dựa trên thiết kế nội ngoại thất và kết cấu khung gầm. Theo thời gian thì ngày càng có nhiều mẫu xe được cải tiến với vóc dáng lai tạp giữa các dòng nhưng về cơ bản thì  vẫn tồn tại nhiều dòng xe thiết kế theo kiểu truyền. Để các bạn dễ dàng phân biệt hơn, đặc biệt là với các bạn chưa có ô tô hoặc đang dự kiến mua xe ô tô, salon ô tô đức thiện sẽ giới thiệu những thông tin cơ bản về các  dòng xe ô tô thông dụng thường bắt gặp trên đường phố tại Việt Nam .

 1. Dòng xe Sedan

Sedan là dòng xe có kết cấu 3 khoang tách biệt hoàn toàn, đó là khoang động cơ, khoang người ngồi và khoang hành lý. Loại này thường có gầm thấp, 4 cửa, 4 hoặc 5 chỗ ngồi.

Có thể nói đây là dòng xe phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam lẫn trên thế giới. Dòng xe này được sử dụng cho mục đích chính là đi lại và không đặc biệt phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa do không gian hạn chế.

Bên cạnh đó, nhờ lợi thế có cabin riêng biệt nên xe thường có khả năng cách âm tốt hơn, tạo cảm giác thoải mái hơn các loại xe khác.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô Sedan

Các dòng xe phổ biến trên thị trường thuộc phân khúc sedan gồm có Toyota Vios, Honda City, Nissan Sunny, Suzuki Ciaz, Toyota Camry, Honda Accord, Mazda 6, Nissan Teana, Mercedes-Benz E-class sedan, Mercedes-Benz C-class sedan…

2. Dòng xe HatchBack

Hatchback là dòng xe thường cỡ nhỏ hoặc trung, dùng cho cá nhân hay gia đình có thêm nhu cầu chở nhiều hành lý. Dòng xe hatchback có thiết kế phần đuôi xe không kéo dài thành cốp như sedan mà cắt thẳng ở hàng ghế sau, tạo thành một cửa mới, có khả năng gập xuống tạo không gian lớn xếp đồ.

Một số mẫu hatchback cực kỳ phổ biến trong nước có thể kể đến như Kia Morning, Hyundai Grand I10, Chevrolet Spark, Ford Fiesta, Toyota Yaris, Mercedes A-class… Đa số đều có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của phái nữ, đồng thời giúp xe linh hoạt hơn trong điều kiện giao thông giờ cao điểm.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô Hatchback

Ở thị trường châu Âu, hatchback thường có thêm dòng wagon hay station-wagon, là biến thể từ một chiếc sedan kéo dài đuôi kiểu hatchback để chở hàng hóa như Maruti Suzuki, Chevrolet Vega Kammback,.

3. Dòng xe SUV – xe thể thao đa dụng

 SUV là chữ viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle, nghĩa là xe thể thao đa dụng. SUV truyền thống gầm cao, có kết cấu khung gầm tương tự như xe tải (body on frame), thân xe vuông vức, khoang hành khách thông với khoang hành lý.

Thông thường người ta rất dễ nhầm lẫn giữa SUV và Crossover do thân xe có nhiều điểm chung như khoảng sáng gầm xe cao, bánh xe lớn, thiết kế ngoại thất mạnh mẽ, nam tính.

Trên thực tế SUV có khả năng chạy đường dài, off-road tốt hơn nhờ được xây dựng trên khung gầm chắc chắn   tương tự như xe tải hạng nhẹ  với 4 bánh lái dẫn động cùng thiết kế đơn giản, khỏe khoắn. Chính vì thế, các đường nét thiết kế ngoại thất của dòng xe này thường vuông vức, nam tính và mạnh mẽ.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô SUV

Các dòng SUV truyền thống trên thị trường Việt Nam gồm có Toyota Land Cruiser, Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Lexus GX 460, Lexus LX 570,…

4. Dòng xe Crossover (CUV)

Crossover (tên đầy đủ Crossover Utility Vehicle – CUV) là đứa con lai giữa 1 chiếc SUV đúng nghĩa và xe đô thị (thường là các mẫu Sedan). Một chiếc Crossover được thừa hưởng gầm cao như SUV nhưng thiết kế rất phức tạp, màu mè hơn.

Trên thực tế hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cùng một hãng xe có thể tìm thấy cả những mẫu SUV và Crossover, do đó các hãng thường điều chỉnh khiến hai dòng xe này về gần nhau. Dòng ô tô Crossover là giải pháp linh động cho những người sống thành thị nhưng thích phong cách SUV do đó cách gọi crossover là SUV vẫn được chấp nhận.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô Crossover

 Chúng ta có thể tìm thấy những mẫu SUV và crossover như Lexus LX570 là SUV, trong khi RX350 là một chiếc crossover. Hay như mẫu xe Captiva Chevrolet lại cũng là CUV vẻ ngoài chúng rất khó phân biệt.

Do nhu cầu sử dụng của người dùng rất đa dạng, do đó các thiết kế của nhà sản xuất thường được điều chỉnh khiến hai dòng xe này “tiệm cận” nhau hơn.

Các dòng xe crossover phổ biến tại Việt Nam gồm có Honda CR-V, Honda HR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander,…

5. Dòng xe MPV / Minivan – xe đa dụng

 Minivan hay MPV (Multi-Purpose Vehicle) xe đa dụng là mẫu xe thường sử dụng cho gia đình, có khả năng linh động chuyển đổi giữa chở người và chở hàng hóa. MPV thường có gầm cao hơn sedan nhưng thấp hơn crossover hay SUV.

Chiếc MPV bán chạy nhất thị trường Việt là Toyota Innova, thường được mua nhiều bởi các tổ chức, cơ quan để chuyên chở nhân viên hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Và gần đây là chiếc Mitsubishi Xpander hiện đang là xe bán chạy nhất tại Việt Nam.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô MPV

Đây là dòng xe được thiết kế chuyên chở khách hoặc dành cho những gia đình có nhu cầu chở người và hàng hóa cao.

Đặc điểm nổi bật của dòng xe này là phần đầu khá ngắn; phần thân thuôn dài, to ra và cao hơn giúp tận dụng khí động học khi di chuyển; gầm xe cao hơn Sedan và Hatchback nhưng thấp hơn SUV hoặc Crossover.

Xe được thiết kế nhằm tạo ra sự an toàn và thoải mái cho hành khách, động cơ tiết kiệm nhiên liệu và hàng ghế có thể gập lên xuống thuận lợi cho việc chở hàng hóa.

Các dòng xe MPV/Minivan phổ dụng ở Việt Nam gồm có Kia Rondo, Kia Carens, Mitsubishi Grandis, Mitsubishi Xpander…. Toyota Innova là trường hợp đặc biệt, vì mang thân hình của xe MPV nhưng khung gầm lại có nguồn gốc từ xe tải.

6. Dòng xe Coupe – xe thể thao

Coupe được định nghĩa là một chiếc xe có hai cửa, 2 ghế ngồi ( hoặc cộng thêm 2 ghế phụ phía sau ), mui kín có phần mái kéo dài xuống tận đuôi, đuôi xe ngắn. Xe được thiết kế với động cơ công suất lớn, không có trụ B. Nhắc tới coupe là nhắc tới xe thể thao, kiểu dáng hầm hố.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô Coupe

Gần đây nhất là khái niệm gây tranh cãi “coupe 4 cửa”, mở đầu bằng chiếc CLS của Mercedes giới thiệu năm 2003.

Nhìn tổng thể coupe 4 cửa không khác gì một chiếc sedan, do đó nhiều người không chấp nhận định nghĩa này của hãng xe Đức.

Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ mui xe kéo dài xuống tận đuôi giống như chiếc coupe truyền thống chứ không phân biệt rõ cốp xe như trên sedan.

Cho đến nay, khái niệm coupe 4 cửa vẫn chưa thực sự được chấp nhận rộng rãi, các phương tiện truyền thông báo chí vẫn sử dụng ngôn từ sedan thay cho coupe 4 cửa. Một số mẫu xe dạng này như Porsche Panamera, Audi A5 Sportback, A7 Sportback… 7. Dòng xe Convertible (Cabriolet)

Cấu trúc của dòng coupe 4 cửa gây tranh cãi

 Các dòng xe coupe phổ dụng gồm có Audi TT, Toyota 86, Hyundai Coupe, Kia Forte coupe… Ngày nay, nhiều chiếc coupe lai với sedan, có thiết kế 4 cửa và 4 chỗ ngồi như Audi A5 Sportback, Audi A7 Sportback, BMW 6 series Gran Coupe… Nhiều dòng xe coupe thể thao có thiết kế mui gập (convertible).

7. Dòng xe Convertible / Cabriolet – xe mui trần

Convertible là từ chỉ chung những mẫu coupe có khả năng mở mui thành “mui trần” như ở Việt Nam vẫn đúng với tên gọi “siêu xe”. Loại xe này vẫn có thể đóng kín bằng mui mềm từ vải hoặc mui cứng có thể xếp gọn khi mở nắp cốp phía sau.

Tại châu Âu hay sử dụng thuật ngữ Cabriolet, thực tế định nghĩa cũng tương tự convertible. Đây là phiên bản coupe được thiết kế dành riêng cho những khách hàng yêu thích sự lãng mạn, phóng khoáng bên cạnh đam mê tốc độ.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô mui trần

Xe mui trần có 2 loại: xe mui cứng và mui mềm.

Mui cứng thường được thiết kế cho các dòng siêu xe hiện đại, tạo cảm giác cứng cáp, mạnh mẽ trong vận hành, độ an toàn, cách âm và chống trộm tốt nhưng thường nặng nề và chiếm chỗ khi mở mui, chi phí sửa chữa cao.

Xe mui mềm thường dành cho các dòng xe thể thao du lịch hoặc lai sedan, không gian rộng, trọng lượng nhẹ, tốc độ đóng mở nhanh hơn cùng giá thành “mềm” hơn nhưng độ an toàn cũng như chống trộm kém hơn.

8. Dòng xe Pickup – xe bán tải

 Dòng xe bán tải hay pick-up không được xếp vào “car” ở thị trường Mỹ. Tức ám chỉ những dòng xe không nghiêng về sử dụng chở hành khách như sedan, hatchback hay crossover.

Cấu tạo cơ bản của dòng ô tô bán tải

Pick-up được biết đến như một dòng kết hợp giữa xe tải cỡ nhỏ và xe gia đình. Kiểu dáng như một chiếc xe đa dụng (MPV).  Khoang ghế ngồi có 5 chỗ (tính cả ghế lái); có thêm một thùng chở hàng phía sau, tách biệt hẳn với khoang ghế hành khách, có thể chở được hàng hóa với kích thước quá khổ mà những chiếc xe đa dụng khác không thể đảm nhiệm.

Khung gầm tương tự như xe tải, thiết kế phù hợp với nhiều địa hình. Vận chuyển hàng hóa trọng lượng vừa phải (từ 500 – 700kg). Có thể gắn thêm mui phụ.

Ở Việt Nam, phân khúc xe bán tải ngày càng thịnh hành nhờ ưu điểm đa dụng, kiểu dáng thanh lịch như một chiếc sedan lại chở được nhiều đồ cùng mức thuế phí rẻ hơn. Các mẫu xe bán tải nổi bật và thịnh hàng ở nước ta phải kể đến như Ford Ranger, Mazda BT-50, Toyota Hilux…

9. Dòng xe Limousine

 Nhắc đến Limousine, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một chiếc xe dài với nhiều cửa sổ. Thực ra, không có một tiêu chuẩn thực sự nào để coi một chiếc xe là limousine cả.

Người ta thường coi limousine là một loại xe hơi cao cấp, tách biệt giữa ghế ngồi và ghế lái, thường được thiết kế thân dài với khoảng cách lớn giữa các bánh xe. Và tất nhiên, xe limousine có nội thất sang trọng, không gian đủ rộng và siêu đẹp.

Limousine được coi là một trong những loại xe hơi cao cấp nhất

“Limousine” là một từ đến từ một thị trấn của Pháp mang tên Limousin. Ban đầu limousine không phải là tên một loại xe, mà là một thứ quần áo. Dòng họ Shepherd tại Limousin tạo ra một loại áo mưa có mũ và gọi chúng là limousine.

Sau này, những người làm xe ngựa tại Paris bắt đầu gọi các xe ngựa có không gian kín với cái tên limousine, và các hành khách giàu có hay sử dụng loại xe ngựa này.

Vậy là ô tô Đức Thiện đã giới thiệu đến các bạn các dòng xe cơ bản hiện đã và đang có mặt trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho các bạn một cái nhìn tổng thể về các loại xe, trên cơ sở đó có thể chọn cho mình một chiếc xe phù hợp.

Nguồn: anycar.vn

Salon ô tô Đức Thiện, một địa chỉ tin cậy về ô tô cũ ở Hà Nội.

Salon ô tô Đức Thiện chuyên kinh doanh các loại ô tô cũ từ 4 đến 16 chỗ. Chúng tôi thu mua ô tô cũ giá cao trên phạm vi toàn quốc và bán với giá hợp lý, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng.

Vui lòng liên hệ với chúng tôi:

Số 10 phố Thành Thái – Phường Dịch Vọng – Quận Cầu Giấy- Hà Nội

Điện thoại: 0904. 366.006 – 0912.25.25.26 – 0983.06.88.28

Cảm ơn và chúc các bạn luôn may mắn./.

 

 

 

 

Bạn đang xem: Cách phân biệt các dòng xe ô tô lưu thông trên đường?
Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: